Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

BÌNH TRÀ




















Ta & Người

Người kia nóng giận nói thao thao
Ta đây chẳng lẽ một tuồng sao
Nhịn người một tiếng tu tỉnh giác
Bước đến bờ kia vẫn nóng sao??

Ngã & Sân

Lặn lội bôn ba khắp bốn phương
Đi tìm châu báu, nơi chân lý
Của nhà sẵn có đâu tìm kiếm
Chẳng nhọc công phu chẳng tốn tiền
Quay tâm hướng thiện là châu báu
Đoạn diệt sân si thêm hạnh phúc
Ngăn ngừa ngã mạn tu thành đạo
Chuyển hóa Tham Tâm đạo vốn thường! 

Chấp Tục & Bổn Tánh

Chấp Tục si mê vốn đảo điên
Ba thằng lục tặc loạn tâm điền
Người mê, thức tỉnh tâm bình mãi
Tu hành thẳng tiến vượt thần tiên
                 __((ii))__
Bổn tánh vô vi tức thị phi thiền
Tâm hàm vũ trụ khắp đại thiên
Quán soi tỏ rỏ, muôn vật thảy
Nào thật trong ta thảy vô biên

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Xem Bói !


Trong Kinh Pháp Cú có câu!
Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, Ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau, như  xe , chân vật kéo
Hoặc
Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau, như bóng, không rời hình
Quả thật như vậy, trong đời sống ngày nay với hoàn cảnh xã hội ngày một phát triển văn minh, nói và làm phải thực tế, không thể sống chỉ biết dựa vào một cái gì huyền bí như thuở xưa được. Như việc xem tướng, bói quẻ coi cho mọi người, hay xem ngày tốt, ngày xấu, khởi hành, hướng nhà… Theo như các vị là đúng hay không đúng?
Hôm nay, tôi xin luận bàn vài việc như sau; Thí như có người vừa sanh ra đời, gặp ngày tốt, tháng tốt, năm tốt, giờ tốt, nuôi nấng đến lúc trưởng thành, vì một lý do nào đó hành động người này không tốt, vậy người này có thoát khỏi tù đày không?
Lại có người sinh ra đời cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng giờ, vậy tại sao? Có người giàu, lại có kẻ nghèo cùng khốn khó. Vậy là lỗi do đâu???
Lại có người sanh ra đời vào ngày xấu, tháng xấu, năm xấu, giờ xấu nhưng người này biết tu tạo phước lành, luôn gặp được điều may mắn đến. Vậy là do gì?
Nếu nói như vậy, người xem tướng là ai, mà dám quyết định ngày giờ cho mọi người. Quý vị là chủ nhân cho mọi hành động, tạo tác, từ đời này sang đời khác. Nếu nói người biết được ngày tốt, xấu, sang hèn…thì tại làm sao không giúp chính bản thân mình giàu trước, rồi ban phước cho mọi người, để cứu nhân sinh. Vậy người có biết được tuổi thọ của mình bao nhiêu không? Người bệnh tật ốm đau sao đi tìm thầy thuốc chi nữa…! Đức Phật Ngài dạy cho chúng sanh, Gieo nhân nào thì gặt kết quả đấy, Nghiệp chúng ta tạo thì chúng ta phải gánh chịu. Nghiệp báo được chia làm ba; một là hiện báo, hiện đời này làm nghiệp lành, nghiệp dữ, hiện trả quả báo khổ hay vui trong đời này. Và có câu; Đời xưa trả báo thời chầy(lâu). Đời nay trả báo một giây nhãn tiền. Hai là sanh báo, hoặc kiếp trước làm nghiệp rồi, đời sau chịu quả báo. Ba là tốc báo; trước mắt gây việc bèn thấy quả báo. Và có câu;
 “ Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong.
 Nhơn duyên hội ngộ thời, quả báo hườn tự thọ”.
Nghĩa là:
Ví dầu trăm ngàn kiếp, mình làm việc chi cũng chẳng mất,
Nhơn duyên  lúc  gặp gỡ, quả báo lại mình chịu
Các bạn thấy Nhân Quả nhà Phật nói có căn nguyên và gốc rễ, không nói hai lời cũng  chẳng  nói khác. Thí như đại địa sơn hà, các giống cây lớn nhỏ không đồng đều nhau, hình dạng cũng khác nhau. Nên nhân quả của mỗi cây cũng khác nhau. Con người chúng ta cũng sanh trong một thái dương hệ, màu da, giọng nói, cách sống cũng khác nhau, nhưng điều bị khổ về sanh, già, bệnh, chết, có ai không đi qua quy luật đó không? Tất cả điều bị Vô thường chi phối, nên Phật dạy chúng ta tu, để thoát luân hồi. Còn như muốn biết đời trước đời sau thì Phật dạy;
Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Yếu tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị
Nghĩa là;
Muốn biết nhân đời trước
Nhìn  vào quả đang thọ
Muốn biết quả đời sau
Nhìn vào việc đang làm
Trong Bài Học Ngàn Vàng của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa có nói;
“ PHÀM LÀM VIỆC GÌ, TRƯỚC PHẢI XÉT KỶ HẬU QUẢ CỦA NÓ ”

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Thầy Tôi !

Qua thời gian và không gian bận rộn, con mãi truy cầu vật ở ngoài con. Con tự đánh mất mình vào ô trược, mãi bung lung với trần cảnh của thời gian. Khi còn là một tiểu đồng thơ dạy, chưa hiểu hết lời thầy dạy tỏ tường, rồi một bóng thời gian đã để lại cho con một bài học vô cùng quý giá. Đó chính là sự vĩnh viển ra đi của Thầy, nhưng hình bóng Thầy vẫn ghi đậm trong lòng của con. Lời Thầy dạy thật sâu sắc và huyền diệu, khi con cảm nhận được lúc thọ trì danh hiệu A DI ĐÀ PHẬT, thì Thầy ơi! Vạn pháp từ đây mà lưu chuyển trong con ngày một sáng hơn. Con kính lạy Thầy cao cả của đời con.!
Thầy đã dạy cho ta những điều cốt lõi trong sự tu hành, là phải tự lực hành trì, chớ phù phiếm làm mất thời gian trong những câu chuyện không đưa ta tới sự giác ngộ. Tuy Thầy không hiện hữu bên con, những lời Thầy dạy luôn sống trong con, nếu Thầy còn đó, mà những lời Thầy dạy ta không tu tập, thì dẫu Thầy còn cũng như đã mất. Còn biết tôn trọng, kính mến Thầy mà không lo tu tập chuyên cần thì công thầy dạy thật phí lời. Lại nữa, Thầy còn hay không còn vẫn là Thầy suốt đời của con, không bao giờ con phụ tấm lòng Thầy. Còn tự thân có mang lời Thầy dạy vào sự Tu có an lạc, thảnh thơi hay không điều do chính ta vậy! Có như thế, Thầy mới thật hiện tiền và kính trọng tôn thờ.
Nếu chẳng hay có Thầy dạy dỗ, xong học trò không làm được như lời Thầy dạy, có phải chăng bị người đời chế giễu. Lúc đó tự trách mình hay trách ai đây? Chắc có lẽ là trách chính bản thân mình đúng không các bạn? Vì sao? Vì mình hư chứ Đạo của Thầy dạy mình nào có hư đâu. Có lẽ, do nghiệp chướng quá sâu nặng, và chính mình không chịu thay đổi nghiệp ta tạo. Để lỗi lầm ngày càng nhiều như người Đui. Đui tức là không nhận thức được chân lý nữa! Mình đã mê, lại còn chồng chất thêm mê, đã mù lại bị kẻ mù dẫn đường, thì làm sao thoát cảnh khổ trầm luân. Nay nhờ Thầy chỉ đường dìu dắt chúng ta đến bến bờ chân thiện mỹ. Ví như có người đi ngược dòng nước, độc nhất một mình tự kiểm nghiệm về Thân, Thọ, Tâm và Pháp, mang kết quả tu tập vào đời sống bằng một lối sống chân thật với mọi người như vậy gọi là Đạo. Việc hợp theo thế gian là tuổi thơ học hành, ăn, ngủ, chơi, lớn lên dựng vợ, gã chồng, rồi tuần hoàn như vậy gọi là Đạo thế gian. Ngày nay nhận thức được những vấn đề đó chỉ là lẩn quẩn loanh quanh, vì bôn ba tìm kiếm thức ăn để phục vụ tấm thân giả hợp trong mấy mươi năm hiện diện trong cỏi đời. Nên cái khổ này vừa hết, lại tiếp tục khổ khác bao quanh, như chư Phật từng dạy; khổ vì sanh, già, bệnh, chết,khổ vì xa người thương yêu, khổ vì gần kẻ thù oán ghét, khổ vì cầu muốn không được, khổ vì năm ấm chống trái nhau. Nên người xưa có câu :

Đời người trăm tuổi có bao lâu
Sớm chẳng cần tu để bạc đầu
Răng rụng mắt mờ tinh khí kém
Tội dày phước mõng nghiệp trần sâu
Trước lo bồi đức gieo nhân tốt
Sau kết thành duyên hưởng quả mầu
Hướng nghiệp thuyền bè mau trở lại
Dần dà cỏi chết biết về đâu?
hay là
Nghĩ ra thêm choáng kiếp người ta
Mới trẻ rồi đây lại đến già
Cái số vô thường không có hẹn
Vui gì?cảnh tạm sát na hoa.
Cổ nhân còn có câu:
Nhứt nhựt vô thường đáo
Phương tri mộng lý nhân
Vạn ban tương bất khứ
Duy hửu nghiệp tùy thân
Nghĩa là; 
Một ngày vô thường đến
Mới biết người trong mộng
Lúc mất bỏ đi tất cả
Chỉ có nghiệp vào mình
 
Nên ngày nay con hiểu được lời giáo huấn của Thầy, con cố gắng tu hành tốt hơn mỗi ngày, vì mạng mình nào có dài lâu, sớm sớm chiều chiều không lo chuẩn bị thì đợi đến lúc nào đây.?
Tấc bóng thời gian qua rất mau
Linh đài một điểm chẳng chùi lau
Bo bo tham sống ngày qua buổi
Gọi chẳng hồi đầu biết tính sao???
Thật vậy, thời gian qua rồi không thể nào lôi kéo lại được, dù có vàng bạc của báu nhiều vô tận, cũng không sao mua được tấc thời gian. Nên cố gắng dụng công niệm Phật bằng cả trái tim, bằng nhịp đập của thời gian, bằng ý thức biết câu niệm Phật không nhanh cũng không chậm, niệm niệm rõ ràng, tai nghe rành mạch từng niệm.Triệt Ngộ Đại Sư dạy ;"THẬT VÌ SANH TỬ PHÁT TÂM BỒ ĐỀ, LẤY TÍN NGUYỆN SÂU TRÌ DANH HIỆU PHẬT" Đó là lời giáo huấn của Thầy tôi, mà tôi luôn khắc ghi vào tủy. Chúc các bạn tinh tấn trên đường đạo!
 

Mộng Du!

Chiều mưa lất phất trên đồi
Có ông tu sĩ ở chồi am tranh
Lắng nghe Bát Nhã âm thanh
Vượt dòng thế sự không tranh với đời
Miễn sao tắm mát muôn loài
Không phiền, Không giận, không rời bản tâm
Mặc cho muôn loại kiếm ăn,
Thì dòng nước chảy âm thầm lặng trôi
Trí Bát Nhã thật tuyệt vời
Thẩm sâu chiếu sáng trong ngoài lòng ta
Từ đây chẳng có sự già
Không đi, không đứng ta bà điều không! 
Cái giả mà tạo cái không
Không màn thế sự, cỏi lòng tiêu dao.
Mượn văn, mượn bút, mượn lời
Ghi thành hư huyễn, giã thành mộng du!

Tuệ Quán

Rừng thiền Bát Nhã hoa khai
Ung dung tự tại tháng ngày tiêu dao
Sáng ra chim chóc gọi chào
Bình minh nắng sớm chiếu vào nhà tranh
Bát Nhã là vốn không sanh
Hơn thua phải quấy tu hành vượt qua
Tu như thế gọi Mật Đa
Không điều quái ngại ta bà khắp nơi
Không gian thì chứa muôn loài
Thế mà chẳng nhiễm trong ngoài đảo điên
Tham Sân phiền não thùy miên
Ngã mạn tăng trưởng đọa liền ác ma!

Đến Và Đi

Không đến không đi chẳng ngại gì
Ba ngàn đại thiên sa giới phi
Thì người nào thật là hư vọng
Tức chơn ngộ tánh Bát Nhã lỳ!

A DI ĐÀ PHẬT

A Di Đà Phật phóng hào quang
Di tâm biến hiện thiên đàng chúng sanh
Đà dà thuốc trị muôn duyên bệnh lành
Phật Tâm bổn tánh xưa nay đủ đầy

Lời Vàng Ngọc


  1.       Kẻ nói dối chê người, sẽ bị quả báo, kẻ vu oan cho người trong sạch, chết sẽ đọa địa ngục, chịu khổ mãi mãi, khi ấy mới trách mình ngu si bạo ngược
  1.   Hiền Nhân tự ngộ được tám ý :  
  2. Thương xót chúng sanh như mẹ thương con.
  3. Muốn độ thoát cho thế gian khốn khó.  
  4.   Dứt trừ được tâm niệm ngu si.  
  5. Gặp vui không mừng mà gặp khổ cũng không lo ngại
  6.  Hiểu được ý đạo, tâm thường vui 
  7. Giữ gìn không phạm một tội lỗi nào 
  8. Dứt trừ được tham, dâm. 
  9. Dứt trừ được sự giận dữ.  
  1. Trước kia vua hậu đãi, mà nay bạc bẽo, vả lại tôi cũng không có lỗi gì, lúc này tôi nên đi là phải.   Ở đời, có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy. Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng độ, thân lâu sẽ có khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nổi cặn. Gần người hiền được thêm trí huệ, ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thường thấy thì hay khinh lờn, xa nhau thì sanh oán giận. Giao tiếp với người lành nên qua lại có chừng độ, thân mà có cung kỉnh thì thân lâu càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở không thật thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết hợp cũng không nên tin. vua lấy lễ độ tiếp tôi, tôi cung kính đáp lại. Nay vua đối đãi khinh dể thì tôi phải cách xa. Thương yêu nhau rồi có sự giận ghét nhau, khi thương thì muốn nhờ cậy, lúc ghét thì chẳng muốn gần. Lấy sự cung kỉnh nhau để cầu thân thiện, lấy sự răn dạy lẫn nhau để tránh xa điều ác. Mà nay có người chẳng phân biệt cái nào là ác, cái nào là thiện, ấy chẳng phải là đạo an thân. Người không có lỗi với mình, thì mình không nên bày đặt sự sai lầm mà vu oan cho họ. Người ác tôn thờ mình, mình không nên nhận lãnh. Người muốn xa ta thì ta không nên miễn cưỡng gần họ. Sự thương yêu đã xa lìa thì không nên nghĩ đến.
  2. Trong thiên hạ có bốn điều tự hoại : Một là cây có nhiều hoa trái thì nặng sẽ gãy nhánh; hai là rắn độc ngậm nọc độc, nọc sẽ trở lại hại nó; ba là kẻ làm tôi không hiền thì sẽ hại nước nhà; bốn là người làm việc bất thiện thì khi chết sẽ đọa vào địa ngục; ấy là bốn điều tự hoại. Vậy nên trong Kinh dạy rằng : “Sự độc ác do tâm sanh ra và sẽ trở lại tự hại tâm mình, cũng như sắt sanh ra chất sét, chất sét ấy sẽ trở lại tiêu hình của sắt” 
  3.   Làm người có bốn điều tự nguy : Một là gánh vác việc nhà người; hai là làm chứng việc nhà người; ba là làm mai mối vợ chồng người; bốn là tin nghe theo lời tà siểm. Ấy là bốn điều tự nguy. Vậy nên trong Kinh dạy rằng : “Người ngu chuyên làm việc ác, tự rước lấy sự tai họa vào thân. Đời nay vui lòng, lung ý, đời sau mang tội rất nặng”
  4. Bạn có bốn thứ : Một là kết bạn như hoa; hai là kết bạn như cân; ba là kết bạn như núi; bốn là kết bạn như đất.  Sao gọi là kết bạn như hoa ? Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi. Kết bạn cũng thế : hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.  Sao gọi là kết bạn như cân ? Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi rẻ nhau.Sao gọi là kết bạn như núi ? Hòn núi vàng, loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực. Kết bạn cũng thế : khi sang thời sang với nhau, khi vui đồng vui.   Sao gọi là kết bạn như đất ? Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sanh. Làm bạn để nuôi dưỡng, ủng hộ, ân hậu không quên...
  5.   Người có trí biết bốn việc không tin : Một là bạn tà ngụy; hai là bề tôi siểm nịnh; ba là vợ yêu nghiệt; bốn là con bất hiếu. Ấy là bốn cái không nên tin theo.Vì thế Kinh dạy : “Bạn tà hại người, tôi nịnh loạn triều, vợ yêu nghiệt phá nhà, và con bất hiếu hại cả cha mẹ”
  6. Có mười trạng thái tỏ cho biết là có yêu quý hậu trọng : Một là xa nhau lâu không quên; hai là thấy nhau thì vui mừng; ba là có món ngon vật lạ san sẻ cho nhau; bốn là khi có lỡ lời không chấp trách nhau; năm là nghe điều lành càng thêm vui vẻ; sáu là thấy việc dữ đem lời trung chính mà can gián; bảy là làm được những việc khó làm; tám là không đem chuyện riêng nói với người khác; chín là khi gặp việc bối rối phải giải quyết cho nhau; mười là đến lúc nghèo khổ không rời bỏ nhau. Ấy là mười sự yêu quý hậu trọng. Nên trong Kinh có dạy : “Bỏ dữ làm lành, tu tập đúng như pháp, đem lời trung chánh dạy dỗ, nghĩa hiệp, có đạo”
  7. Có tám việc biết là không ưa nhau : Một là thấy nhau mặt đổi sắc; hai là liếc ngó không thẳng thắn; ba là lời nói không ôn hòa; bốn là nói phải cho là quấy; năm là nghe lời suy bại thì vui thích; sáu là nghe lời hưng thịnh thì không vui; bảy là hủy bỏ, chê bai việc tốt đẹp của người; tám là tán thành việc ác của người. Vậy nên trong Kinh dạy rằng : “Lỡ đánh chết người, tội ấy còn có thể dung thứ; dùng tâm độc âm mưu để hại người, tâm niệm ấy rất không nên gần
  8. Có mười sự chứng tỏ đó là người trí : Một là biết kẻ hiền người ngu; hai là biết kẻ sang người hèn; ba là biết kẻ giàu người nghèo; bốn là biết việc nào khó việc nào dễ; năm là biết việc nào đáng bỏ việc nào nên làm; sáu là biết nhiệm vụ của mình; bảy là vào nước nào biết được phong tục của nước ấy; tám là biết được chỗ trở về; chín là học rộng hiểu nhiều; mười là biết được túc mạng. Mười việc đó chứng tỏ người có trí. Kinh dạy : “Khi tai nạn gấp rút mới biết được lòng bạn, có đánh nhau mới biết kẻ yếu người mạnh, có luận nghị mới biết được người trí, lúc cơm thua gạo kém mới biết người có lòng nhân
  9. Có tám điều kiện để an ổn : Một là được của cha mẹ để lại; hai là có nghề nghiệp bảo đảm lấy sự sống của mình; ba là học thức cao; bốn là có bạn hiền; năm là có người vợ trinh lương; sáu là được người con hiếu thảo; bảy là tôi tớ được hòa thuận; tám là lìa xa việc ác. Đó là tám điều kiện để được an ổn. Kinh dạy : “Sanh ra sẵn có của cha mẹ để lại và gặp được bạn hiền rất thiết; các việc ác không phạm đến và có phước thừa rất thích”.
  10. Có tám cái thích : Một là cùng làm việc với người hiền; hai là được học với bậc Thánh nhơn; ba là tánh thể được nhân từ và ôn hòa; bốn là sự nghiệp mỗi ngày mỗi hưng thịnh; năm là diệt được tánh giận dữ; sáu là biết lo phòng ngừa tai nạn; bảy là biết nương gần đạo pháp; tám là bạn bè không dối gạt nhau. Kinh chép rằng : “Có Phật ra đời rất thích; diễn giảng đạo pháp rất thích, chúng Tăng nhóm họp và hòa thuận rất thích. Hòa thuận thì thường an vui”.
  11. Có mười trường hợp mình không thể khuyên can : Một là tham lam che mất lương tri; hai là tham đắm sắc đẹp; ba là ưa danh vọng địa vị; bốn là kẻ ngang tàn bạo ngược; năm là kẻ nhút nhát; sáu là kẻ khờ khạo lừ đừ; bảy là kẻ kiêu ngạo buông lung; tám là người ưa đấu tranh; chín là người chấp tập tục si mê; mười là kẻ tiểu nhơn. Ấy là mười trường hợp mà ta không thể khuyên can. Kinh chép : “Nói Pháp cho người ngu nghe cũng như nói với kẻ điếc, những ai khó hóa độ thì không thể khuyên can”. 
  12. Có mười trường hợp mà mình không nên nói với người : Một là kẻ ngạo mạn; hai là kẻ ngu độn; ba là kẻ hay lo sợ; bốn là kẻ ham vui chơi; năm là kẻ hay e lệ; sáu là kẻ câm ngọng; bảy là kẻ cừu hận; tám là kẻ đói lạnh; chín là kẻ mắc nhiều việc; mười là người đang tham thiền tịnh lự. Đó là mười trường hợp. Trong Kinh có câu : “Làm được hãy nên nói, làm không được thì đừng nên nói suông; lời hư ngụy không thành tín thì các bậc minh triết không thèm đoái đến. 
  13.   Người đàn bà xinh đẹp, nói năng khôn khéo êm tai, mà trong thì tội ác, ngoại dâm, thì căn cứ vào đâu mà hiểu được họ ? Có mười triệu chứng sẽ hiển hiện cho ta thấy : Một là đầu tóc rối và bới tóc nghiêng một bên; hai là mặt hay biến sắc và mồ hôi tự nhiên chảy; ba là lớn tiếng nói cười; bốn là hay liếc ngó không đoan chính; năm là trang sức lộng lẫy; sáu là hay nhìn trộm kẽ vách; bảy là ngồi không yên; tám là hay dạo chơi trong xóm làng; chín là hay đi dạo chơi ngoài đồng vắng; mười là hay giao thiệp với hạng dâm nữ.Kinh chép : “Đàn bà con gái thật khó tin, lời nói khôn khéo của họ rất dễ hại người. Vì thế bậc cao sĩ lánh xa không muốn thân cận”.
  14. Có mười việc không nên thân cận và tin cậy : Một là vua tôi hậu đãi; hai là tình nhân của một người đàn bà mình quen; ba là kẻ ỷ sức mình; bốn là kẻ ỷ vào tiền của; năm là chỗ nước chảy rất mạnh; sáu là chỗ nhà cũ tường xiêu; bảy là hang rồng hang rắn; tám là chỗ quan quân tra xét; chín là chỗ của kẻ đã thù giận mình; mười là chỗ có trùng độc. Ấy chính là mười chỗ không nên thân cận và tin cậy.Trong Kinh có câu : “Những ai bảo uống rượu không say, những ai bảo đã say không loạn. Việc vua hậu đãi, đàn bà thương yêu, tất cả những cái ấy rất khó tin cậy”. 
  15.  Có năm cái đáng ghét : Một là ác khẩu hại người; hai là gièm pha, siểm nịnh, và thúc giục sự đấu tranh; ba là rầy rà không thuận hòa; bốn là ganh ghét và trù rủa; năm là nói hai lưỡi gạt người.  Kinh dạy rằng : “Làm cho kẻ khác mệt nhọc và mình mong muốn sự hay ho về phần mình thì chỉ rước họa vào thân, tự gây lấy oán thù sâu nặng.
  16. Làm thế nào để được người kính mến .Có năm tính tốt này thì được người cung kính : Một là nhu hòa và nhẫn nhịn; hai là cung kính và có tín tâm; ba là mau mắn và ít nói; bốn là lời nói đi đôi với việc làm; năm là đối với bạn càng lâu càng thâm hậu. Năm điều ấy là đặc tính làm cho người ta cung kính mình.Trong Kinh có câu : “Nếu biết thương lấy mình thì phải dè dặt giữ mình. Các bậc Hiền sĩ có chí hướng thượng cao xa, học hiểu chính đáng thì không bao giờ lầm lạc”
  17. Còn vì sao bị người khinh mạn ?   Năm nguyên do sau đây bị người khinh mạn : Một là kẻ râu dài mà ngã mạn; hai là áo quần dơ bẩn; ba là thiếu suy nghĩ; bốn là dâm ô vô lễ; năm là chơi bời không tiết độ. Kinh dạy : “Giữ và thâu nhiếp ý tưởng vào chỗ chính cũng như ngựa theo dây cương ; không kiêu, không mạn, thì người và trời đều cung kính”. 
  18.  Có mười kẻ mà mình không nên mời về nhà : Một là thầy ác; hai là bạn tà; ba là kẻ hay khinh bỉ bậc Thánh nhơn; bốn là kẻ hay nói tráo trở; năm là kẻ dâm ô; sáu là người thèm rượu; bảy là kẻ có tánh xấu; tám là người không biết ơn nghĩa; chín là đàn bà con gái mất nết; mười là kẻ tỳ thiếp ưa trang sức. Đấy là mười hạng không nên mời về nhà.  Kinh chép : “Lánh xa người ác, đừng làm bạn với kẻ dâm lung, chỉ nên tùng sự các bậc Hiền giả, mới mong thành người minh đức”.
  19. Có tám điều kiện để được an vui : Một là vâng thờ kính thuận các bậc Sư trưởng; hai là đem sự hiếu thuận dạy cho nhân dân; ba là khiêm nhường kẻ trên người dưới; bốn là phải tập tánh nhân đức ôn hòa; năm là cứu giúp người trong cơn nguy cấp; sáu là phải quên mình mà nghĩ đến người; bảy là thâu thuế ăn lời nhẹ và phải biết tiết kiệm; tám là bỏ hận thù xưa. Đấy là tám điều kiện để được an vui.Trong Kinh có câu : “Chuyên tu cội đức, nghĩ trước rồi làm sau, cứu giúp người trong cơn nguy cấp và bần khổ, thì trọn đời được an vui”. 
  20.   Bậc trí giả có mười hai điều luôn luôn phải nghĩ tới không bao giờ lãng quên : Một là khi gà gáy sáng đã nghĩ tới tội lỗi mà lo làm việc phúc đức để đền bù lại; hai là nhớ việc hầu hạ tôn thân; ba là gặp việc gì phải suy nghĩ dự bị trước; bốn là phải lo nghĩ lánh xa sự nguy hại; năm là phải nghĩ trước mới nói sau để khỏi phải lầm lạc; sáu là phải nghĩ đến những kẻ lạc lầm mà đem lời trung chánh dạy bảo nhắc nhở họ; bảy là phải nghĩ đến những kẻ nghèo khổ để thương xót cấp hộ; tám là phải lo làm việc bố thí nếu mình có của; chín là phải nghĩ đến việc ăn uống cho có chừng độ; mười là phải nhớ giữ sự công bình khi phân xử hoặc phân chia; mười một là phải nhớ đem ân từ ban bố cho dân gian; mười hai là phải thường nghĩ đến sự huấn luyện nếu mình là quân sĩ hay võ quan. Đấy là mười hai điều mà kẻ trí giả phải nghĩ đến.Vậy nên trong Kinh có câu : “Làm việc gì phải lo dự bị trước, như vậy sự nghiệp sẽ mỗi ngày mỗi lớn không khi nào thất bại”. 
  21.  Bậc Đại hiền có mười hạnh tốt : Một là học rộng hiểu nhiều; hai là không phạm giới luật trong Kinh dạy; ba là kính thờ Tam Bảo; bốn là thọ lãnh pháp lành không quên; năm là kiềm chế được tham sân si; sáu là tu tập được pháp tứ đẳng tâm; bảy là ưa làm việc ân đức; tám là không nhiễu hại chúng sanh; chín là hay hóa độ được người bất nghĩa; mười là không lầm lộn việc lành việc ác.Kinh dạy : “Gặp được bậc Đại hiền rất khó, như ít có lắm vậy, các bậc ấy ở đâu thì bà con quyến thuộc và người chung quanh đều được nhờ cậy 
  22. Kẻ đại ác, đại khái có mười lăm tội nặng : Một là sát sanh; hai là trộm cắp; ba là quen thói dâm ô; bốn là dối trá; năm là nịnh hót; sáu là chuốt ngót; bảy là gièm pha; tám là khinh bậc Hiền sĩ; chín là tham sự ô trược; mười là buông lung; mười một là say sưa; mười hai là ganh ghét người hiền; mười ba là hủy báng đạo đức; mười bốn là sát hại Thánh nhơn; mười lăm là không kể tội lỗi. Đấy là mười lăm điều tội ác của kẻ phàm ngu. Trong Kinh có câu : “Gian ngược, tham lam, oán người lương thiện, làm việc bất chính, thì khi chết, đọa vào ác đạo”. 
  23.  Người đời có mười cái đáng hổ thẹn : Một là làm vua không hiểu chánh trị; hai là tôi thần mà vô lễ; ba là thọ ân không lo báo đáp; bốn là có tội lỗi không chịu chừa bỏ; năm là một vợ hai chồng hay một chồng hai vợ; sáu là chưa cưới mà có thai; bảy là tập hợp không thành; tám là có binh khí mà không thể chiến đấu; chín là kẻ bỏn sẻn thấy người bố thí; mười là tôi tớ mà chủ không sai khiến được. Đó là mười cái đáng hổ thẹn.  Kinh chép : “Những ai biết hổ thẹn đều là kẻ rất dễ dạy, rất dễ sách tấn cũng như điều khiển ngựa hay”
  24.  Có mười hai điều khó : Một là làm việc với người ngu; hai là yếu đuối chống lại được với sức mạnh; ba là thù nhau mà ở chung một nhà; bốn là học ít mà đứng ra nghị luận; năm là nghèo hèn mà trả được nợ; sáu là ra trận không có tướng sĩ; bảy là thờ vua trọn đời; tám là học đạo mà thiếu mất tín tâm; chín là làm ác mà muốn được quả báo đẹp; mười là sanh ra đời được gặp Phật; mười một là được nghe Chánh pháp của Phật; mười hai là làm theo được Chánh pháp ấy mà thành tựu. Đấy là mười hai điều thật khó.Kinh dạy : “Được làm người là khó, gặp Phật ra đời là khó, được nghe giáo pháp của Phật là khó, vâng làm theo được giáo pháp ấy thật khó”
  25. . Người có trí tuệ, đại khái biết bốn mươi lăm việc : 1- Là sửa sang nhà cửa; 2- Là gây một không khí hòa hợp trong gia đình; 3- Là giao thân với chín họ; 4- Là tin ở bè bạn; 5- Là theo học với bậc Minh sư; 6- Là làm việc gì quyết cho thành tựu; 7- Là tài trí cao rộng; 8- Là mọi hành vi đều hướng về việc lành; 9- Là giàu sang thì lo làm việc ân đức; 10- Là tạo tác và sửa sang đều phải thận trọng; 11- Là có của phải mở mang sự nghiệp; 12- Là không giao của cải cho con cái nếu chúng còn nhỏ; 13- Là kết bạn với người hiền; 14- Là không quá tin những ai mới vừa quen biết; 15- Là tiền của ở chỗ huyện quan phải đem về đừng để lâu; 16- Là mua bán đổi chác phải thật thà không hề lường gạt; 17- Là dời ở nơi nào phải đến xem trước; 18- Là đến đâu phải biết đó là giàu hay nghèo, quý hay tiện; 19- Là phải giao thiệp thân cận với người lành; 20- Là phải nương vào một thế lực; 21- Là đừng tranh hơn kém với kẻ cường bạo; 22- Là xưa giàu mà nay suy thì có thể mong phục hưng cơ nghiệp; 23- Nếu là bần khổ thì đừng có cao vọng to tát; 24- Là có của quý không nên khoe với người; 25- Là việc bí mật đừng nói cho vợ nghe; 26- Là làm vua phải kính người hiền đức; 27- Là phải ăn ở có hậu, nhứt là với các bậc trung tín; 28- Là nếu thanh liêm, có thể dùng trị nước, hay có thể đứng ra trị nước; 29- Là gặp việc phải lập công to; 30- Là trong công cuộc giáo hóa, lấy sự hiếu thuận làm căn bản; 31- Là phép của ông thầy là quý sự ôn hòa, như thế học trò đủ cung kính; 32- Là thầy có nhiều học trò, phải dạy chúng làm điều trung nghĩa; 33- Là làm thuốc phải có hiệu nghiệm, nghề còn vụng chớ đem ra thi thố; 34- Là đau ốm phải nghe lời thầy thuốc; 35- Là ăn uống phải giữ cho có độ lượng; 36- Là có của ngon vật lạ chia sẻ cho nhau đừng tiếc; 37- Là cho ai hoặc cho ai mượn vật gì phải tự tay mình trao cho họ; 38- Là làm chứng cớ cho người chơn chánh; 39- Là đừng vu oan cho người vô tội; 40- Là can gián sự oán giận và làm cho sự thuận thảo trở về giữa hai người; 41- Là nhẫn nại và xa lánh việc ác; 42- Là đừng phân biệt giàu nghèo mà ở với người; 43- Là lấy sự thuận hòa làm quý; 44- Là theo đạo thì phải giữ giới; 45- Là lấy sự trong sạch làm quý hơn tất cả.
Trong trần thế chỉ có đạo Niết-bàn là cao quý hơn tất cả.
Vì sao ? Vì Niết-bàn là cảnh giới không có sự già nua, bệnh, chết, không đói lạnh, không tai hoạn nước lửa, không oan gia, không trộm cướp, không dục vọng ân ái, không lo buồn hoạn nạn, không tất cả những khổ sở đớn đau. Cảnh giới ấy là diệt độ. Diệt độ không phải là một sự chết, nhưng đấy là sự giải thoát tự tại thôi
·    Chỗ đất bị nước mạnh xoáy lở thì dù một trăm năm sau, cũng không nên dựng lấy một cái gì trên ấy. Vì dòng nước sẽ theo thói cũ mà lôi cuốn đi mất tất cả. Người có ác tâm mà bây giờ họ bảo mình là bắt đầu làm lành thì mình quyết không tin vội. Vì tâm ác của họ chưa diệt, họ sẽ trở lại làm việc ác, ta phải nên dè dặt. Người muốn làm việc gì phải làm lần lần, như người đào giếng, đào mãi xuống sâu sẽ có mạch nước. Kẻ trí giả thấy sự nguy hiểm hoặc bất bình giữa cuộc thế, thì hãy ra tay cứu giúp cũng như người có tài bơi lội có thể lội ngang qua dòng nước mạnh.
     Chỗ vấn đáp của người trí bao giờ cũng khác xa kẻ tầm thường. Không lời nói nào của họ mà không phải là lời lành. Bậc thầy bao giờ cũng chính đáng. Và những đức tánh này chứng tỏ rằng người ấy là bậc trí giả : Nhân từ, mềm mỏng, cẩn thận, chắc thật, ôn hòa nhã nhặn, lời nói hoạt bát và hay hâm mộ các việc lành.
        Kính mà đừng khinh, nghe lời dạy phải làm theo, vì chỗ hiểu biết của người trí rất đúng, bao giờ họ cũng thể theo Chánh đạo và không có tâm tham cầu, lại có thể suy xét rõ được việc quá khứ, hiện tại và vị lai. Tầm mắt của bậc trí giả rất rộng, họ thấy rõ muôn vật trong không gian và thời gian đều chỉ là biến hiện, muôn pháp đều quay về nơi nhứt điểm không tịch bản nhiên.
Kẻ trí giả nhìn thấy rõ ràng đời là một sự biến đổi tang thương; trẻ trung rồi sẽ già nua, cường tráng rồi sẽ suy nhược, có sống thì sẽ có chết; giàu sang như mây nổi, đều là vô thường cả. Cho nên, lúc an ổn phải nghĩ đến khi nguy ngập, khi hưng thạnh thì nghĩ phải đến lúc vô thường, người lành thì kính mến, người ác thì phải lánh xa. Nếu có giận hờn ai thì nên trừ bỏ, đừng vì thế mà gây ác hại người. Nhu hòa mà khó xâm phạm, yếu đuối mà khó thắng

·   Người trí theo phép Thánh Hiền, thường làm việc nhân từ và ưa dạy dỗ kẻ ngu muội trở nên sáng suốt như họ. Người trị nước thì nên ban bố ân huệ cho kẻ biết làm lành, kẻ tu hành thì lo dẫn dắt mọi người về nơi Chánh đạo; quốc gia có cấp nạn thì cùng nhau đàm luận lo toan; tới lui phải biết thời mới khỏi bị sự nghi ngờ oán trách. Tuy có ân rộng đức lớn với người, nhưng đừng mong cầu người báo đáp; thờ người trí thì được phước và trọn đời không mắc phải tai nạn. Bệ hạ đừng có nghi nan. Pháp chánh trị không nên trái với lý đạo, dạy dân làm lành thì càng ngày càng thêm lợi ích cho nước.

·   Ví như người không có tài bơi lội, thì không nên xuống dưới nước sâu, biết người cừu hận với ta, ta cũng không nên hại họ. Đời có thân hậu nhau, rồi có gây gổ nhau; có gây gổ nhau rồi lại xin lỗi nhau; tuy hòa giải khéo lắm, nhưng mà chi bằng trước kia đừng gây gổ là hơn.

Ngày Nào Đây ?!

" Ngày hôm nay qua đi, Mạng cũng tùy giảm"
Thật vậy! Đời người thật mong manh, nếu mình tự hỏi rằng:Còn được mấy ngày nữa anh sẽ làm gì???
Bởi thế! Khi chúng Ta nhận thức được cuộc sống này chỉ tạm bợ, như phù du, mình không chuẩn bị tư lương, hành trang cho mỗi ngày, thì khi hơi thở này dứt, thì mạng chung chúng ta sẽ sinh về đâu? Lúc đó chúng ta sẽ mơ hồ khi chết, bởi thế trong cảnh sách có câu;
              " Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng?"
nghĩa là:" Đường trước mờ mịt không biết về đâu?"
Khi chúng ta biết được thế giới không thật, cỏi đời giả tạm hảy sống sao cho chính đáng, sống ý nghĩa nha! Thế nào là sống ý nghĩa? Là khi sống trong cỏi đời này, chúng ta phải chuẩn bị hành trang cho sự chết từng sát na của nhân sinh! ta cần chuẩn bị gì? Như khi sống phải trang bị về nội tâm như tu thân chỉnh đức, để không bị hồ đồ trong lối sống. Riêng người xuất gia phải luôn luôn trang bị từng giờ, từng phút, từng giây đừng đánh mất chính mình đang hiện hữu. Phải sống làm sao giúp ích chính mình cũng là chính người, chính mình phải an lạc nội tâm, giải thoát nguồn tự tánh rồi mang đều giải thoát đó giúp cho mọi người, là ta đã chuẩn bị cho hiện đời và ở mai sau.
Còn như chúng ta không biết trang bị cho mình những gì, thì ta dễ bị năm thứ ma quấy nhiễu liên tục, nào là tài, sắc, danh, thực, thùy. Nói đúng hơn là tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng cùng địa vị, thức ăn, ngủ nghĩ. Như chúng ta muốn có tiền bạc đầy kho, để phục vụ xác thân này, để chúng mặc đẹp với địa vị cao sang, còn muốn ăn thì ăn ngon, ngủ thì muốn ngủ giường cao tốt có máy điều hòa trong phòng. Nào ta có biết những thứ đó điều do tâm tham lam, bởi những thứ đó mà người có tuệ tri giác ngộ không ai muốn mình bị trói buộc bởi tiền tài cả. Vì chính tiền tài đâu mang mình tới sự giác ngộ dài lâu, nên người xưa có câu:
" Ai ơi! tiền của có ra gì?
Sao nhọc lòng ta phải nghĩ suy.
Tiền thuộc năm nhà chia sẽ mãi
Lao công nhọc trí tại vì mi."
Qua lời đó chúng ta phải xét lại chính mình, không khéo chúng ta sống để phục dịch không đúng chổ, rồi sanh ra mù quáng, sống trở thành hồ đồ không mục đích và chí hướng thượng. " Tiền bạc chỉ là phương tiện trao đổi ở thế giới này, đừng biến nó thành cứu cánh, đừng tự biến mình thành nô lệ." bởi thế vẫn là chúng sanh trôi theo thế sự của vô minh, khi con người đang bị cuốn hút vào vòng xoáy để bương chải tìm ra tiền. Là người thực hành theo giáo lý Phật Đà, lẽ nào quên mất việc tu hành được thí chủ gieo duyên cúng dường cơm áo, thì đồ thí chủ cúng mình nên thức tỉnh rằng: 
"Thí chủ nhất lạp mễ,
Trọng nhược tu di sơn. 
Thực liễu bất tu đạo, 
Bì mao đãi giác hoàn."
nghĩa là:
Hạt gạo thí chủ cúng
Nặng bằng núi Tu Di
Ăn xong chẳng tu đạo
Đeo sừng mang lông trả.
Cho nên khi tu cần phải thường xuyên thức tỉnh lại điều này. Người thế gian không có thời gian tu học được, nên không nhận thức được có thân người không phải là dễ, nghe được Phật Pháp cũng chẳng dễ, ăn chay niệm Phật nào có dễ đâu? Sinh ra đời được như vậy, nếu không tu tốt ta sẽ trở thành con mọt phá nát giống lành và tâm Bồ Đề, chính mình đã gieo mầm móng ở địa ngục rồi đó bạn ơi!
Trong cỏi đời này, trước khi muốn phê phán ai, ta hảy kiểm điểm chính ta trước rồi mới phê phán. Có như thế đời sống mới được an vui. Có khi nào bạn tự xét đạo tâm đã vững chưa mà nói đến đạo lực, nếu đạo tâm và đạo lực chưa thông thì đừng nói gì đến đạo hạnh và đạo quả. Ví như có người mới học võ, thì tâm còn hung hăng thích quơ tay múa chân, gặp ai cũng thích khoe khoan. Còn người giỏi võ nghệ, tâm bình khí hòa nhìn vào ta dễ gần gủi. Người tu hành là một hành giả gặp bao điều chướng ngại, chông gai tâm phải nhu hòa nhẫn nhục thì đạo nghiệp mới mong thành tựu. Nếu như không suy xét lại nghiệp của chính ta tạo có bằng phước của ta tu không? Nay trích lại lời của Hòa Thượng Quãng Khâm Ngài dạy rằng:" Người xuất gia, chân đạp đất tín thí, đầu đội trời của tín thí, thân mặc áo thí chủ cho, miệng ăn cơm thí chủ cúng, ngủ ở phòng thí chủ xây. Cứ tính mỗi ngày bạn tu được 100 đồng tiền công đức. Hễ bạn khởi tâm động niệm khiến thân miệng ý không thanh tịnh, thì khấu trừ 30 đồng. Thêm vào là tiền ăn uống đáng giá 30 đồng, tiền trú ngụ 20 đồng, tiền ăn mặc đáng 50 đồng. Tổng cộng là 130 đồng tiền công đức. Đấy, công đức của bạn làm ra trong ngày không đủ để trả những phí tổn trên.Vậy bạn còn công đức gì nữa? tín chủ cúng dường khó tiêu lắm!" Vậy mỗi ngày cần xét lại chính mình đã làm lợi ích cho ai chưa? Mình có xã bỏ được tâm tham chưa? Có như thế không uổng một đời lên nẽo nhân gian. 
Lúc còn đi đứng nói năng trong mọi hành động mà ta không tập sống buông bỏ những vật từ ngoài thân đến trong tâm, rồi đến đêm 30 lúc đó ta quýnh hoán lên, như thế nghiệp sanh tiền ta tạo thiện hay ác sẽ tùy đó mà chiêu cảm cảnh giới tốt hay xấu mà thôi. Cho nên, mỗi ngày, mỗi phút không rời. Đừng cho tán loạn nghiệp bồi chân tâm, có được như thế thì sự tu của chúng ta mới vững được như câu:
Lộ bất hành bất đáo
Chung bất đả bất minh
nghĩa là:
Đường không đi không đến
Chuông không đánh không kêu
Cũng vậy! người tu đạo quý tại cái tâm cần cù, siêng năng, thì muôn việc gì cũng thành công. Nếu mình không tinh tấn dễ bị thối lui, bởi trong cảnh khổ, vui, thương, ghét, mong, muốn đó phải lập chí hướng xuất trần thượng sĩ, vì tất cả chỉ là thử thách của chính Ta. Trong cuộc sống hàng ngày làm sao mình nói được như lời nói đó mới gọi là chân hiện hữu. Còn như:" Miệng bảo lấy gấm thêu hoa, mà bao tử của mình chứa đầy Tham, Sân, Si, Ngã mạn, ít kỷ, tật đố, ôm lòng thâm độc, mắng chửi, trấn áp, ham đua đòi trang sức...như thế việc làm toàn là của chúng sanh. Vậy các bạn cùng tôi nên tinh tấn hơn để khắc phục Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp. Hầu ngăn ngừa bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất (bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra). Có được như thế, đạo Bồ Đề ngày càng gần hơn, và đạo quả giác ngộ ngay hiện tiền. Ngày ba mươi tháng chạp ta đâu lo sợ gì nữa, lúc đó Phật Di Lặc xuất hiện thì vui biết dường nào. Nhìn lại chặng đường ta đã đi qua, nó giống như một vỡ tuồng, vỡ kịch, vỡ cải lương, hay một bộ phim người diễn vai chính đó chính là bạn. Bởi vì bạn đã diễn hết các yếu tố vui, buồn, giận, ghét, thương yêu, có đúng vậy không các bạn.? Chúc các bạn tam tư, để sống vui vẽ, trẻ trung yêu đời !