Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

☘️ Tình Thương ☘️


Tình thương có 3 loại:
- Tình thương với tâm tham ái (taṇhāpema).
- Tình thương trong gia đình (gehasitapema).
- Tình thương với tâm từ (mettā-adosa).
1- Tình thương với tâm tham ái như thế nào?
Tình thương với tâm tham ái là tình thương giữa người nam với người nữ có quan hệ tình cảm yêu đương thắm thiết, gắn bó với nhau do tâm tham, hài lòng với nhau; tình thương này thường có giới hạn giữa người nam với người nữ, mỗi người tự xem như thuộc sở hữu của nhau, do tâm tham ấy nên thường xảy ra khổ tâm.
- Hai người nam và nữ sống chung hoà hợp với nhau, nếu người này bị bệnh hoạn ốm đau v.v..., thì người kia cũng bị khổ tâm lo lắng, chăm sóc, chữa trị cho mau khỏi bệnh; nếu chữa trị bệnh không khỏi, người ấy từ bỏ cõi đời, thì làm cho người kia khổ tâm sầu não thương tiếc đến người thương đã quá vãng.
- Nếu người này nghi ngờ lòng chung thuỷ của người kia hoặc bị phụ bạc, phản bội, thì cảm thấy khổ tâm dẫn đến thù ghét, đành phải từ bỏ nhau v.v...
Ðó là tình thương với tâm tham ái giữa nam với nữ.
Ðức Phật dạy: "Tham ái là nhân sanh khổ đế". Cho nên, khi tham mà được hài lòng, thì sẽ làm nhân sanh khổ lâu dài; khi tham mà không được hài lòng, thì sẽ làm nhân sanh khổ dữ dội.
Tâm tham là nhân, mà tâm sân là quả. Cho nên, thương bao nhiêu, thì khổ cũng bấy nhiêu!
2- Tình thương trong gia đình như thế nào?
Tình thương trong gia đình là tình thương giữa những người trong gia đình, dòng họ có cùng huyết thống, và những người khác dòng họ như con dâu, con rể v.v... có mối liên quan mật thiết, đã trở thành những thành viên trong gia đình, dòng họ. Tình thương này cũng có giới hạn những người trong gia đình, dòng họ như: ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em, chú bác, cô dì v.v... là những người thân quyến.
Tình thương của những người này luôn luôn mong muốn sự khoẻ mạnh, sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài lẫn nhau. Nhưng nếu có người nào trong gia đình, dòng họ bị bệnh hoạn ốm đau, thì những người thân cũng bị khổ tâm lo chăm sóc, chữa trị người ấy, cầu mong cho mau lành bệnh; nếu chữa trị không được, người ấy phải từ bỏ cuộc đời (chết), thì những người thân trong gia đình khổ tâm sầu não thương tiếc đến người ấy.
Những người lớn trong gia đình thường cầu mong cho các con, cháu được tốt lành, không có điều gì không hay xảy ra; nhưng nếu có người con, cháu nào hư hỏng, làm điều không tốt, những người lớn trong gia đình khổ tâm không chịu nổi, thì rầy la, thậm chí còn đánh đòn để răn dạy đứa con, cháu hư hỏng ấy. Ðó là tình thương trong gia đình, dòng họ; nếu tình thương này xuất phát từ tâm tham, thì dù tham được hài lòng hoặc không được hài lòng, cũng có thể làm nhân duyên phát sanh tâm sân làm cho khổ tâm; nếu tình thương này xuất phát từ tâm thiện, thì tâm thiện ấy cũng bị giới hạn trong gia đình, dòng họ, khó được trong sạch hoàn toàn.
Cả hai loại tình thương trên gọi là tâm từ giả, bởi vì tình thương ấy phát sanh từ tâm tham, bị phiền não làm ô nhiễm, bị biến đổi theo đối tượng.
3- Tình thương với tâm từ như thế nào?
Tình thương với tâm từ là tâm từ rải khắp đến tất cả chúng sinh không giới hạn, không ngoại trừ một chúng sinh nào, cầu mong tất cả chúng sinh thường được an lạc.
Tâm từ này có chi pháp là tâm sở vô sân (adosacetasika) đồng sanh với thiện tâm có đối tượng tất cả chúng sinh không giới hạn, không ngoại trừ một chúng sinh nào, (không có phân biệt ông bà, cha mẹ, anh chị em, v.v... thân quyến trong gia đình, dòng họ).
Do đó, dù đối tượng chúng sinh có biến đổi tốt hoặc xấu v.v..., thì thiện tâm có tâm sở vô sân, tâm từ vẫn không biến đổi theo đối tượng chúng sinh ấy.
Tình thương này gọi là tâm từ, bởi vì tình thương phát sanh từ thiện tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, không bị biến đổi theo đối tượng hạng chúng sinh nào.
Trích sách Hiểu về Tâm từ của ngài đại trưởng lão Hộ Pháp.

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020

Trà Sáng ☘️

☘☘☘Từng ngày cuộc sống đi qua,☘️☘️
☘☘Vay mượn sống tạm, tháng ngày nơi đây!☘️☘️
☘☘Hơi thở cũng vậy đấy thôi, ☘️☘️
☘☘Còn gì của bạn, nói tôi nghe nào? ☘️☘️☘️