Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Hiếu Nghĩa!



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa các bạn! Hằng năm, cứ mỗi khi đến rằm tháng bảy, làm người con Phật ai ai cũng tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục như trời cao, như biển rộng của đấng sanh thành, vì muốn báo đáp công ơn  ấy, có người thì trì trai giữ giới, có người thì làm mâm cao cổ đầy dâng lên cho Cha Mẹ, có người đứng trước bàn hương án, di ảnh đốt thật nhiều tiền vàng mả để gửi gắm người thân nhằm thể hiện lòng tưởng nhớ, lòng hiếu thảo của mình……
Hôm nay, Bụi chia sẽ về tháng bảy Vu Lan!
Kính thưa các bạn! Người Việt Nam có câu;
Công cha như núi thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Thật vậy! Được làm con của Cha Mẹ ta thật là một niềm tự hào và hãnh diện vô biên. Còn được sống trong tình thương yêu, che chở của Cha Mẹ , là chúng ta còn được hạnh phúc. Nhưng hỡi ơi, khi chúng ta ngày một lớn khôn thì vòng tay ấm êm kia dần dần xa cách bởi định luật của thời gian…..
Than ôi! Cuộc sống quá mỏng manh, nên người xưa có câu;
“ Cây muốn lặng, mà gió chẳng ngừng,
Con muốn nuôi cha mẹ, mà cha mẹ chẳng còn.”
Cho nên lúc Cha Mẹ còn tại tiền Ta nên hiếu thảo, biết vâng lời cha mẹ dạy răn, lo cho cha mẹ từ cơm ăn, áo mặc. Hơn nữa, biết hướng dẫn song thân đến chùa quy y Tam Bảo, phát nguyện tu trì, giữ gìn trai giới, hầu giúp cho cha mẹ hiện đời có đời sống an lành, vui vẻ, thảnh thơi. Có như thế  mới xứng đáng là người con hiếu thảo!
 Cha mẹ khi còn sống chúng ta không biết phụng dưỡng, chăm sóc đợi đến lúc cha mẹ mất đi, ta mới sắm quần áo vàng mả, cơm canh rượu thịt, thết đãi bà con, đó không phải là hiếu. Như trong Kinh Địa Tạng, phẩm thứ bảy “Lợi ích cả kẻ còn người mất”, Đức Phật dạy rằng: “Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gửi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm.” Các vị nghĩ lại xem cha mẹ chúng ta, lúc sanh thời thích làm việc gì? Có biết tu thiện, làm điều tốt chưa? Có ăn chay niệm Phật không? Các vị nên nghĩ con người như một cái cây, lúc bình thường nó ngã, nó nghiêng theo chiều nào, thì khi có trận gió lớn thổi, chắc chắn nó sẽ bị gảy ngã theo chiều ấy. Cho nên ngày bình thời chúng ta làm nhiều điều thiện, chắc chắn khi lâm chung, nó sẽ dẫn dắt chúng ta về cảnh giới an lành. Ngược lại, ngày thường nếu chúng ta làm điều ác, thì khi chết nghiệp ác sẽ lôi chúng ta vào cảnh giới ác, không nghi. Còn như mai mắn,  nếu có chút duyên lành, lúc cận tử nghiệp đến, được gần gũi thiện hữu tri thức nhắc nhở chúng ta niệm Phật, khuyên gia quyến trì trai giữ giới hồi hướng phước báo ấy cho cha mẹ, hoặc người thân, nhờ  việc làm ấy mà dòng tộc, cùng cữu huyền thất tổ, họ hàng, nương nhờ phước đức đó mà sớm sanh về cảnh giới tốt lành. Ví như có tảng đá lớn nặng trăm cân mà được thuyền bè chuyên chở thì cũng có thể qua được bên bờ kia. Còn hạt cát, viên sỏi nhỏ nếu không có thuyền bè chuyên chở thì vĩnh viễn không cách nào qua được bên kia bờ.  Thế mới biết được thân cận bậc thiện hữu tri thức như thuyền từ vượt bể sông mê, thoát khỏi sự chìm ngập của rừng già vô minh đen tối.
Kính thưa các bạn! Khi chúng ta chưa biết học Phật, chưa biết làm việc thiện, chúng ta cho rằng đốt nhiều giấy tiền vàng mả ấy cho là Hiếu, đó là ý nghĩ sai lầm, không đúng với lời của Phật dạy. Bụi lại xin chia sẽ thêm về vấn đề này như vầy;  Ví như có người đang sống trong một đất nước, họ có máy in tiền, sau đó in ra thật nhiều tiền giả cho mọi người xài, thử hỏi, việc làm ấy có được nhà nước chấp nhận không? Người làm tiền giả ấy có bị bắt không? Huống chi có người ăn trộm, giết người, cướp của sau đó bị bắt giam cầm trong tù, lúc bấy giờ chúng ta gởi tiền bạc, nhà cửa giả cho họ xài thì thử hỏi người đó có dùng được không? Lại thêm một vấn đề là sau khi mất chúng ta chờ đợi đến bốn mươi chín ngày sau đó chúng ta mới bắt đầu làm việc thiện, cúng dường, thiết trai…. Như vậy có ích lợi gì không? Ví như có người bệnh ngã gãy tay, gãy chân, hoặc bệnh nan y, ta biết người đó có bệnh nguy kịch như thế, nếu chúng ta đợi đến bốn mươi chín ngày mới đem chữa bệnh thử hỏi có mau hết  chăng? Có nên giữ những tập tục lâu đời mà nhiều người vẫn quan niệm như vậy chăng? Hay ta nên thay đổi và tư duy quán chiếu những pháp nào mang đến đời sống có niềm tin, có an lạc và giải thoát thì ta nên tu dưỡng và phát huy chiều hướng đó!
Qua đôi dòng suy tư, Bụi gợi ý như vậy, kính mong các bạn đồng tu đồng học cùng ngẫm nghĩ lại xem! Kính chúc chư vị thân tâm an lạc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét