Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Tình Ân Ái Là Gốc Của Sự Sanh Tử !



 Bóng hồng vừa gác núi. Chim chóc từng đàn lũ lượt bay về tổ, kêu la rộn rịp. Trên con đường mòn khúc khuỷu, các bác tiều phu vội vã cất gánh củi lên vai trở về làng mạc. Tiếng náo động vắng dần. Quang cảnh rừng rú mỗi lúc càng tĩnh mịch.

Thỉnh thoảng một vài tiếng chuông chùa ngân nga từ xa vọng lại, dường như để thúc hối những người còn chậm bước chưa ra khỏi cảnh hoang liêu ghê rợn của núi rừng. Một vài tiếng hú kêu vang và sâu tận trong hốc núi càng làm cho những kẻ lạc loài khiếp đảm. Các loài thú dữ đã bắt đầu cuộc săn mồi thường bữa, chốc chốc điểm lên những tiếng rống ghê người của chúa tể sơn lâm.

Từ trong thảo am bên mé nói, một vị Thiền sư lưng mang dây bố, tay chống gậy tre, lần bước trên con đường mòn, tiến dần về phía xóm nhà cạnh mé rừng. Trời vừa sắp tối, vị Thiền sư đến nơi và đi ngay vào cổng, tìm lại nhà hai vợ chồng vị cư sĩ đã thọ giáo với Ngài. Sau những lời chào hỏi, hai vợ chồng vị cư sĩ trải chiếu hoa mời Ngài an toạ. Trà nước xong, Thiền sư liền bảo: “Từ Ngày hai ông bà đã thọ giáo theo Phật đến giờ, tôi thường tới lui để thúc nhắc. Ðộ này việc tu niệm của ông bà được khá lắm, thật tôi rất lấy làm vui mừng. Song sự đời có hiệp phải có tan, hôm nay tôi đến đây để thăm và cũng để tỏ lòng từ giả hai ông bà. Ngày mai này tôi sẽ lên đường đặng đi giáo hoá một nơi khác. Có lẽ cách nhau lâu, vì vậy tôi không dám hẹn ngày tái ngộ. Trước khi lên đường, tôi xin dặn lại ít lời rất thiết, có thể là châm ngôn tu tập hằng ngày. Hai ông bà phải cố gắng niệm Phật đừng để lãng quên, nếu chẳng may có gặp việc gì xảy ra chênh mếch trong gia đình, ngoài xã hội, nên kiên nhẫn bỏ qua, tự an ủi lấy lòng. Giả như một trong hai người lâm bịnh nặng sắp đến giờ hấp hối, người mạnh cần nhất phải cho tĩnh tâm, sửa sang Phật tượng, hộ niệm cho nhau đến phút cuối cùng; đừng nên than khóc, van kêu, làm cho người chết phải bối rối, loạn niệm, khó được vãng sanh. Ðây là một việc khó, mà nhiều người tu hành đã vấp phải. Nên tôi căn dặn hai ông bà hãy ghi nhớ. Ðược vậy, dù tôi ở cách xa, vẫn yên hóa đạo”.

Dặn dò, chỉ bảo đâu đó xong xuôi, rạng ngày vị Thiền sư lên đường…

Ngày tháng qua mau, phút chốc đã được hai thu, nhờ y theo lời dạy của vị Thiền sư mà thời gian qua, hai vợ chồng vị cư sĩ ăn ở với nhau rất thuận hòa, hằng ngày làm phước, bố thí tụng kinh niệm Phật chuyên cần, lối xóm nhiều người cảm mến.

Một hôm người chồng bị chứng thương hàn đau nặng. Người vợ chạy thuốc tìm thầy đã hết hơi mà bịnh đâu vẫn còn nguyên đấy. Cuối cùng, có một vị danh y đại tài đã được mời đến do công lao của người anh họ chẳng ngại xa xôi rước về. Sau khi bắt mạch xong, vị danh y bảo: “Bệnh này không qua khỏi ngày nay, vì mạch đã hết. Vậy bà đừng nên chạy chữa làm gì nữa cho tốn công hao của, hãy lo liệu những vật dưỡng già mà thôi”.

Người vợ lúc bấy giờ đã tuyệt vọng, tâm thần bà rối loạn, quên hẳn lời dặn bảo của vị Thiền sư, người chồng cứ nằm mê man mãi. Trong tình cảnh này, vì thương chồng, vì tủi phận, người vợ chỉ có nước gục mặt bên chồng khóc kể liên miên. Mãi đến khi người chồng mở đôi mắt thất thần nhìn vợ lần cuối cùng, mà người vợ còn ghé mặt sát mặt chồng nức nở van kêu: “Mình ơi! Mình nỡ nào chết đi để một mình tôi ở lại sống cô độc lẻ loi; hồi nào khổ sở có nhau, vui buồn cùng chịu, ngày nay mình bỏ tôi mình đi một mình! Mình ơi!”.

Tội nghiệp người chồng vì nghe lời lẽ quá bi ai của vợ, cảm tình ân ái bất giác nổi lên, nhìn vợ mà hai hàng lệ thắm tuôn ra, nghẹn thở… rồi… trút linh hồn.

Thần thức ông xuất ra nơi mắt. Người vợ vì gục mặt vào mặt chồng mà khóc, nên thần thức chui ngay vào lỗ mũi vợ, hóa thành một con sâu.

Chồng mất rồi, vợ lo tròn bổn phận, chôn cất xong xuôi, đám ma cũng khá lớn, những ơn nghĩa lối xóm cũng lo tròn.

Ðến khi bà con ai về nhà nấy, bấy giờ bốn bề lặng ngắt, người vợ vì thương chồng bạc phận xét nỗi cô đơn hiu quạnh, lại thêm lỗ mũi mỗi ngày một lớn và đau nhức vô cùng. Nàng cứ ngày đêm kêu gào than khóc, làm cho những kẻ ở gần, ai cũng phải động lòng thương xót kẻ xấu duyên bạc phận.

Một hôm, vị Thiền sư trở lại và ghé thăm. Nàng vừa thấy bóng Ngài đã hối hả chạy ra khóc than, kể lể…

Vị Thiền sư ôn tồn bảo: “Bà hãy nín, sống chết là lẽ thường, hễ có sanh là có tử. Người tu hành khi bỏ được thân khổ này như quẳng được cái gánh nặng, bà nên mừng giùm chớ sao lại khóc? Bà còn than khóc thế là bà chưa hiểu đạo. Xin khuyên bà hãy nghe tôi, có thương nhớ nên để lòng, lo tu hành cho khuây lãng, nếu còn nặng lòng ái ân thì kiếp sau lại gặp nhau nữa, vay trả, trả vay thành một chuỗi oan gia vô cùng tận”.

Sau khi nghe vị Thiền sư khuyên bảo, như giải được sự đau buồn, nàng liền sửa lại mái tóc, rồi tình cờ khịt mũi mạnh văng ra một con sâu khá lớn.

Thiền sư cả cười bảo: “Ở đời ít ai có nghĩa hơn bà, ai đời thương chồng mà khóc đến có sâu trong lỗ mũi”.

Nàng thẹn quá, toan lấy chân dậm chết con sâu. Vị Thiền sư vội vàng khoát tay bảo: “Ðừng, bà đừng nên làm thế, vì con sâu ấy là chồng bà vậy”. Nàng lạ lùng hỏi:

“Bạch thầy: Chồng tôi suốt đời niệm Phật, làm phước, tại sao chết lại sanh vào loài sâu bọ như thế?”. Thiền sư bảo: “Bà đã quên lời tôi dặn, khi chồng bà chết và không lo tụng kinh niệm Phật và khuyên bảo chồng bà khởi chánh niệm, bà lại còn đem tình ân ái kể lể khóc than, nên chồng bà khi sắp mất, bị lòng thương vợ, nặng tình ân ái mà lãng quên chánh niệm. Vì vậy nên thần thức luyến ái không thể vượt lên cao, mà phải chui vào mũi bà thành sâu bọ. Than ôi! Uổng một kẻ tu hành, đã mong thoát kiếp luân hồi lại còn bị ái ân cột chặt. Thật có khác nào con cò muốn cất cánh bay cao để thoát ngoài dò, bẫy; nhưng khốn nỗi nó có bị sợi dây vô tình cột chặt vào chân. Thế có tội nghiệp không?”

Thiền sư lại đến gần con sâu khẽ bảo: “Ngươi trước cũng nghe lời ta chăm chỉ tu hành lẽ ra thời đã được công đức lành mà sanh thiên hay vãng sanh Cực Lạc, song vì tình ân ái của vợ chồng ngươi có còn sâu thẳm ngàn trùng, thành ra khi trút hơi cuối cùng mà còn gây nghiệp chướng nặng nề phải thành loài sâu bọ, thật đáng thương thay!”.

Con sâu nằm im từ này giờ, dường như nó cũng tự biết hổ thẹn ăn năn. Thiền sư chú nguyện cho và nhờ công đức lành đã tạo từ trước, nên con sâu quằn quại một lúc rồi chết, thần thức lại sanh vào cõi người. Người vợ đã tự hối và phát nguyện tu hành, niệm Phật, trì chí không thối lui, kết quả bà được vãng sanh.

Người ta cũng không phải chỉ có một đời sống ngắn ngủi mở đầu trên cái nôi và chấm hết trên cái mồ. Lọt lòng và nhắm mắt chỉ là bình minh và đêm tối của một thời gian lặng lẽ trôi, không bao giờ tạm ngừng, không có đầu, không có đuôi.

 

Vàng Hay Rắn !

Khi Ðức Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng hai vị đại đệ tử A Nan và A Nan Ðà từ non Thứu Lãnh đi xuống kinh thành khất thực. Ði giữa đường, ngang qua một bờ lở, Ngài thấy một ghé vàng.
Ðức Phật dừng lại bảo A Nan Ðà rằng:

“Này A Nan Ðà! Người có thấy đây là một loài rắn độc không?”. Ngài A Nan Ðà cung kính bạch rằng: “Bạch Thế Tôn thật là một loài rắn độc đáng sợ hãi”. Có chàng tiều phu đứng gần nghe vậy, tưởng có gì độc thật vội vàng đến xem.

Anh đến, thấy một ghè niêm phong cẩn thận, mở ra xem. Anh mừng quá. Vàng toàn là vàng. Vàng ngọc quý cả. Anh cười thầm Phật và đệ tử Ngài không biết dùng thứ ấy, còn cho nó là rắn độc. Anh ta cẩn thận, hớn hở mang về. Trước khi đem về, anh ta sung sướng la lên rằng:

“Tôi xin nguyện con rắn độc này luôn luôn cắn tôi và cắn cha mẹ, vợ con, quyến thuộc tôi. Tôi không cảm thấy đau đớn gì hết”.

Anh chàng tiều phu kia trở nên một người trưởng giả giàu có kiêu sa: nào là nhà cửa, ruộng vườn, tôi tớ, bò trâu, xe cộ, cực kỳ sung túc và lộng lẫy. Làng xóm thấy vậy đâm ra nghi kỵ, không biết anh vì sao giàu sang đột ngột như vậy?

Tiếng đồn vang đến tai vua A Xà Thế. Vua cho sứ giả đến hỏi: “Có phải được của kín nhà vua chăng?”. Anh ta ấp úng trả lời: “Tôi giàu là tôi giàu; tôi cũng không được chi của nhà vua cả”.

Sứ giả về tâu lại.

Vua cho gọi đến hỏi. Anh cũng ấp úng trả lời như củ. Cho là người gian, vua ra lệnh tịch thâu gia tài điền sản và bắt anh ta và tất cả bà con quyến thuộc đem đi hành hình.

Khi đi giữa đường anh ta khóc lóc, buồn bã và la lớn rằng: “Ngài A Nan Ðà ơi! Thật là một thứ rắn độc! Rắn độc nó đang cắn tôi và cắn bà con của tôi đây”.

Theo luật vua A Xà Thế, ông vua thật hành Phật Pháp, mỗi khi muốn xử tử một người nào, giữa đường nếu có gì lạ phải trở về tâu lại ngay. Bọn lính nghe chàng ta gọi mãi Ngài A Nan Ðà, bèn trở về tâu lại vua hay.

Vua đoán chắc có chuyện lạ, nên ra lệnh đem anh về. Vua hỏi lại lần này anh ta mới chịu thưa thiệt nguyên do được ghè vàng, nghe xong, vua cảm động ân hóa dụ của Ðức Phật và bảo chàng tiều phu rằng: “Tội ngươi đáng chết, nhưng may duyên gặp Ðức Thế Tôn. Ta cũng là người Phật tử, ta phóng thích cho người và bà con người. Người được phép đem gia tài và châu báu về. Người phải đổi tự tâm tu theo thiện nghiệp và hết lòng cung kính cúng dường Tam Bảo.”

Chàng tiều phu được phóng thích, sung sướng vô cùng. Cảm mến ân Phật được sống, chàng về chỉ lo tu phước đức và hết lòng cúng dường Tam Bảo.

Không bao lâu, nhờ công đức và lòng thành kính ta hành, anh ta được chứng quả giải thoát.

Ta phải làm chủ tiền bạc,
Ðừng để tiền bạc làm chủ ta.

Nguồn Gốc Ngạ Quỷ! (st)



Là vong linh người đã chết nhưng do có nhiều ham muốn, dục vọng cần được thoả mãn nhưng chưa thoả mãn được. Trong các nhu cầu ham muốn ấy, tất nhiên thức ăn ngon và quần áo đẹp luôn là những tiêu chí đầu tiên, cũng giống như khi con người còn sống vậy.
oOo Hình dạng Ngạ Quỷ oOo

Hai mắt to, lồi ra: Do nhìn, ham muốn và cứ thích nhìn những gì mình chưa có.

Hai tai dài, hơi to và hơi nhọn: Do phải căng tai ra để nghe xem ở đâu có đồ ăn ngon, có ai đang khen mình, có ai nhắc đến mình không.

Răng lởm chởm: Do ăn uống thiếu thốn, không điều độ và không giữ gìn khẩu nghiệp.

Tóc loe hoe vài cọng, gần như hói trọc: Do phải suy nghĩ, tìm cách để có miếng cơm manh áo một cách cật lực

Da ngâm đen sạm: Do những đau khổ, u sầu từ trong tâm thị hiện ra ngoài.

Thân hình có tay chân ốm chỉ là da bọc xương, lòi xương trên người: Do có ham muốn mà chẳng thể thoả mãn được

Bụng bự: Chất chứa nhiều ham muốn, thu vào bao nhiêu cũng không thấy đủ

Cổ teo nhỏ và vươn dài: Ham muốn thì nhiều nhưng thoả mãn chẳng được bao nhiêu, cứ phải ngóng đầu ngóng cổ trông chờ bố thí

Thường là chỉ mặc độc nhất một chiếc quần ngắn nho nhỏ, có khi là không có quần áo che thân: Do luôn cảm thấy thiếu thốn.

Thường xuyên nhỏ dãi: Do thèm thuồng nhiều thứ

oOo Tính chất oOo

Có mùi hôi khó ngửi: Do thường xuyên lảng vảng ở những nơi tối tăm, có thức ăn thừa, vụn, ôi thiu...

Dễ tương thông, cảm ứng khi tiếp xúc gần gũi và có thể tác ý, truyền ý tác động đến những người có nhiều tham vọng, ham muốn, thèm muốn được ăn, mặc, quyền lợi các thứ... khi ấy người bị tác động sẽ trở nên thô lỗ, thể hiện rõ sự tham của mình như: tham ăn, tham mặc, tham tiền, tham quyền... một cách rõ ràng chẳng cần kiêng dè, sĩ diện trước ánh mắt của người xung quanh.

Khi đã nhập xác vào người sống:
Đối với người bị ngạ quỷ nhập, có các mức độ là nhập nhất thời và nhập toàn phần.

Nhập nhất thời là chỉ nhập vào trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày, thường là gần đến giờ cơm, trưa nắng nóng, khi trời chạng vạng tối, khuya lạnh. Khi nhập vào, ăn no rồi sẽ xuất ra.

Nhập toàn phần tức là nhập vào, ăn uống no nê xong không muốn ra, cứ muốn ở trong thân xác người đó.

Sẽ thị hiện hình tướng Ngạ Quỷ ở hai mắt trắng dã, dễ dàng nhìn thấy tròng trắng mắt nhiều hơn tròng đen, mắt trông lờ đờ như người đã bị chứng mất ngủ lâu ngày, hơi có vầng thâm quầng xanh đen.

Miệng thường xuyên ứa nước bọt mà người đó không làm chủ được, nhất là khi nhìn thấy đồ ăn. Sẽ muốn nhào vào đồ ăn, bốc ăn ngấu nghiến không quan tâm xung quanh đang nhìn họ.

Có khi nước dãi chảy cả ra ngoài miệng.

Dễ nổi nóng nhất là khi nghe thấy ai đó chê bai họ, hay không cho họ ăn

Tai nghe rất thính, ai nói gì nhỏ nhỏ từ xa cũng có thể nghe thấy.
Đói bụng rất nhiều, ăn hoài không thấy no, cứ ăn liên tục chẳng muốn dừng, vì cứ cảm thấy đói.

Sợ nước, sợ tắm, sợ nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ, niệm Phật, sợ các pháp sư, các vị Hộ Pháp.

Nếu nhìn thấy ảnh tượng của chư vị đạo đức cao trọng sẽ thường dập đầu cúi lạy để tỏ lòng thành kính và cầu xin chư vị ban phước, bố thí.

Đối với tình trạng nhập toàn phần, nếu như người đó và gia đình, bạn bè người thân không nhận thấy được sự thay đổi kỳ lạ của người bị nhập, không tìm được cách giải như là dẫn đi chùa sám hối, gặp các tăng ni, pháp sư có tâm đức, pháp lực cao có thể giải xuất ra.

Một thời gian sau, khoảng tầm một năm từ ngày bị nhập, tinh thần của xác bị nhập sẽ dần dần đồng hoá với tinh thần của Ngạ Quỷ, lúc đó tuy 2 mà 1, Ngạ Quỷ có thể nói là chiếm xác hoàn toàn.

Ý chí của người bị nhập xác có thể bị đánh mất hoàn toàn. Lúc này thì dù có may duyên gặp được các pháp sư có pháp lực cao cũng không thể trục giải ra được vì đã đồng hoá với nhau.

Chỉ đến khi người đó chết, khi đó hồn lìa khỏi xác, sẽ tách biệt ra lại thành 2 phần hồn riêng biệt của người đó và Ngạ Quỷ, nhưng ở 1 số trường hợp đặc biệt lâu, nặng, và sự tương đồng quá hoàn hảo thì 2 hồn sẽ kết hợp thành 1 hồn hoàn toàn.

Tất nhiên là nhân quả, duyên nghiệp của vong linh đó được cộng dồn từ 2 phần căn duyên nghiệp quả của người bị nhập với Ngạ Quỷ đã nhập người đó.

oOo Cách hoá giải oOo

Nếu nhận thấy người nào có các biểu hiện của Ngạ Quỷ nhập thì nhanh chóng đưa đến chùa, hoặc là ngồi tâm sự, khuyên giải Ngạ Quỷ xuất ra, nên cúng cho họ thường xuyên để họ cảm nhận được sự quan tâm của người sống, cảm thấy được an ủi phần nào mà không quá thèm muốn, bức xúc đến nỗi nhập vào người sống để thoả mãn.

Tăng ni, pháp sư hiểu chuyện và có tâm đức, pháp lực thực sự sẽ chỉ luôn dùng những biện pháp ôn hoà, hoá giải duyên nghiệp giữa người sống với Ngạ Quỷ mà không dùng đến các hình thức bùa phép trù yếm, đánh đập, la mắng hay đe doạ.

Nhớ kỹ điều này để tránh lầm tà sư cơ hội hại người để khoe danh mình.

Tuyệt đối không được mắng chửi, đánh đập, đe doạ, điều ấy chỉ làm tình trạng thêm tệ hơn. Nếu nhìn thấy người mình nhờ giúp đỡ có dấu hiệu dùng các biện pháp không ôn hoà thì lập tức ngưng ngay và tìm người khác giúp đỡ, hoặc cố gắng tâm sự chia sẻ để mời Ngạ Quỷ xuất khỏi người sống ấy.

Cúng cơm thí thực, đồ chay, trái cây, cầu nguyện cho Ngạ Quỷ được cảm thấy no ấm, không còn ham muốn đói khát và hồi hướng về Đạo Pháp mà giải khổ của họ.

Tụng kinh cầu siêu cho Ngạ Quỷ

Dùng nước Thánh là Thanh Tịnh Thuỷ để tắm cho người bị nhập.
Cách điều chế nước: Pha nước nóng ấm vừa đủ, cho vài giọt dầu xức người vào nước, cho vài muỗng muối vào nước, cho một ít rượu vào cho có hương thơm của rượu và dầu hoà nhau, lấy nước đó tắm từ trên đỉnh đầu xối xuống toàn thân để xả hết trược khí.
......................

oOo Hãy luôn tâm niệm một điều oOo

Dùng yêu thương để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến thế giới vô hình. Rồi mọi việc sẽ ổn.
........................
Tôi đã từng gặp được vài bạn Ngạ Quỷ trong đời sống thực tại, khi họ nhập vào mấy người sống. Lúc ấy trông họ đáng thương lắm, đói bụng, thèm được ăn, xin bát cơm trắng, cầm lên tay bốc ăn ngấu nghiến không kịp nuốt, cơm có rơi vãi ra đất thì lượm lên từng hột để bỏ vào miệng ăn ngon lành, trông họ ăn với vẻ mặt hạnh phúc vô cùng...

Hãy trân trọng từng hạt châu ngọc chúng ta may mắn có được trong mỗi bữa ăn, đừng bỏ thừa mứa gì hết, nếu ăn uống hoang phí thì sau này khi chết đi, sẽ trở thành Ngạ Quỷ đó vậy... đây chỉ là một con đường ngắn nhất để trở thành Ngạ Quỷ thôi, tất nhiên còn nhiều con đường căn duyên, nghiệp quả khác khiến một người khi chết thì vong linh trở thành Ngạ Quỷ lắm!

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Lời Quê ( ST)

Hảy Buông bỏ tất cả chử nghĩa, Kinh điển. 
Chúng nó chỉ là những hàng rào, những bức tường ngăn cản Bạn nhảy vọt vào bản thể tuyệt đối.

Khi bạn chạy rong tìm kiếm cái bên ngoài, Bạn là kẻ Vô Minh.


Dù bạn đi bất cứ nơi đâu, Thánh Thiện vẫn chỉ là một, như mùi vị nước biển chỉ có một vị mặn, Giáo lý Đạo Phật chỉ có một vị giải thoát.

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Niệm Phật có mười điều lợi ích



01. Ngày đêm thường được chư Thiên, đại lực thần tướng ẩn thân hộ trì.
02. Thường được Quán Âm cùng 25 đại Bồ-tát bảo hộ.
03. Người niệm Phật thường được Phật A-di-đà phóng quang nhiếp thọ.
04. Không bị các ác Dạ-xoa não hại.

05. Người niệm Phật sẽ không bị các nạn nước lửa, đao binh, gông cùm.
06. Những tội lỗi đã tạo trong vô biên kiếp đều được tiêu diệt.
07. Thường có những giấc mộng đẹp hoặc thấy Phật A-di-đà thân vàng sáng chói.
08. Tâm thường hoan hỷ, nhan sắc tươi vui, khí lực sung mãn, được các may mắn trong việc làm.
9. Thường được người đời cung kính như kính Phật vậy.
10. Lúc mạng chung, tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện tiền, được Phật cùng chư Bồ-tát tay cầm kim đài đến tiếp dẫn vãng sinh, hóa sinh hoa sen, hưởng thọ niềm vui vi diệu thù thắng.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Ý Nghĩa Chuổi Tràng Niệm Phật




Chuổi dùng làm vật trang sức xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn minh của nhân loại là vật tượng trưng cho sự quí phái, dùng làm trang sức cho vua chúa và các bậc quyền quí ngày xưa. Chuổi Tràng có trong Phật Giáo từ thời đức Phật còn tại thế "Kinh Pháp Hoa" trong Phẩm Phổ Môn có nói về việc Ngài Vô Tận Ý cởi Chuổi Anh Lạc giá trị trăm nghìn lượng vàng dâng lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo.
Sự kiện thứ hai nhắc đến chuỗi hạt khi vua Ấn Độ Tỳ Lưu Ly thỉnh Đức Phật Thích Ca dạy cho pháp môn diệt trừ phiền não, Phật dạy nhà vua dùng hạt một loại cây gọi là “Vô Hoạn tử” hay còn gọi là “Bồ Đề tử” xâu thành chuỗi để niệm danh hiệu Phật thì sẽ tiêu trừ mọi phiền não. Nguyên văn lời dạy của Đức Phật được chép trong kinh như sau: “Nếu nhà vua muốn diệt phiền não chướng, thì phải xâu 108 hột Mộc Hoạn tử, thường mang theo mình, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, luôn luôn phải hết lòng xưng niệm danh hiệu Phật đạo (Phật) Đạt ma (Pháp), Tăng già (Tăng) không để cho tâm ý phân tán” (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng kinh, tập 17, trang 726).
Ngoài ra, theo Tục Cao tăng truyện (Đại Tạng Kinh, tập 50, quyển thứ 20, truyện Đạo Xước), sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 800 năm, ở Trung Hoa chuỗi hạt trở nên khá phổ biến và được sử dụng chủ yếu như một pháp khí trong pháp môn niệm Phật. Điều đó thể hiện qua chi tiết được ghi lại: “nhiều người lần chuỗi, miệng đồng niệm danh hiệu Phật” (Tục Cao tăng truyện).
Trong Kinh Phật dạy: “Nếu như muốn tiêu trừ các phiền não chướng, nên xâu chuổi 108, luôn đem theo bên mình, hoặc đi đứng nằm ngồi, lần chuổi niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, lần chuổi trì niệm danh hiệu Phật càng nhiều càng tốt. Nếu như mãn 20 vạn biến thì có thể đạt đến Thân Tâm Bất Loạn.”
Chuổi tràng Phật Giáo có bao nhiêu hạt được quy định rõ ràng và số lượng của hạt chuổi đều mang một hàm ý nhất định. Trong Phật học thì con số 108 tượng trưng cho 108 phiền não (Kleśā) của con người. Lục giác (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, cảm giác, và thức giác) nhân làm ba, tức ba loại phản ứng (lạc, khổ, vô ký) thì ra con số 18. Mười tám nhân hai, tức hai thể (thiện hay bất thiện) thì có con số 36. Ba mươi sáu nhân ba, tức ba thời (quá khứ, hiện tại, và vị lai) thì là con số 108 phiền não.
Phật giáo Việt Nam thì giải thích là khi lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) không thanh tịnh vì thiếu lục thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) thì dễ bị giao động bởi lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp). Sáu căn, sáu trần, và sáu thức cộng lại, thành ra thập bát giới (18). Con số này nhân cho sáu phiền não căn bản (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) thì là số thành 108 (18x6=108).
Chuổi trung tràng có 54 hạt biểu thị hành giả Phật Giáo tu trì phải tuân thủ các pháp Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Tín, Thập Hồi Hướng và bốn Pháp Thiện Căn. Chuổi tiểu tràng gồm có 27 hạt tượng trưng cho mười tám Pháp Học Nhân và chín Pháp Vô Học.
Chuổi 21 hạt hàm ý Ngũ căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Ngũ Trí Phật. chuổi 18 hạt tượng trưng cho Bát Chánh Đạo và Thập Hiệu Phật, còn tượng trưng cho 18 vị A La Hán. Chuổi 16 hạt tượng trưng cho Thập Địa và Lục Ba La Mật. Chuổi 14 hạt tượng trưng cho  mười bốn Vô Úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Chuổi 12 hạt tượng trưng cho  mười hai Nhân Duyên. Chuổi 9 hạt tượng trưng cho Cửu Phẩm Liên Hoa. Ngoài ra còn chuổi 1080 hạt, 42 hạt và chuổi Mật Tông có chổ dùng 110 hạt.
Chuổi được dùng rất nhiều chất liệu để làm, thường thấy nhất như chuổi kết bằng hạt Bồ Đề, hạt Kim Cang, ngoài chuổi hạt còn được dùng chất liệu là thất bảo để làm. Như Vàng, Ngọc, Lưu Ly, San Hô, Hổ Phách..v.v… những chuổi tràng được làm bằng chất liệu quý thường là do các thí chủ học hạnh bố thí của Bồ Tát Vô Tận Ý mà phát tâm cúng dường cho tượng Phật hoặc các bậc Trưởng Lão Đạo cao Đức trọng trong Phật Giáo.
Chuổi còn là tín vật cho việc truyền thừa, kỷ vật. Vì vậy chuổi tràng trong Phật Giáo ngoài công năng là pháp khí tu hành ra còn là bảo vật của Tam Bảo, tín vật của sự truyền Pháp và là pháp vật chứa đựng công đức, cũng như thần lực rất cao vì tích tụ sự tu trì, công đức của các bậc tu hành.